Ý nghĩa của thành ngữ một vốn bốn lời
Thử seach Google về ý nghĩa “Một vốn bốn lời”, sau một vòng tìm kiếm bạn sẽ thấy hầu hết mô tả theo nghĩa “đen”. Hầu hết bài viết thể hiện là bỏ một đồng vốn thu được bốn đồng lời, ăn lãi cao hoặc thể hiện sự đầu tư “thắng” đậm.
Tôi cho đây là sự hiểu biết khá “ấu trĩ” của một số người làm content. Vô hình chung nó làm ra một sự lan tỏa sự thiếu hiểu biết.
Lợi nhuận thông thường trong kinh doanh
Để hiểu đúng câu thành ngữ trên thì ta thử xét theo “nghĩa đen”.
Trong các ngành kinh doanh thông thường hay có câu “bỏ một lời một”. Đây là nói về một sản phẩm hay dịch vụ có thể bán tốt và lãi cao hoặc một cách định giá sản phẩm có thể bán ra thông dụng. Tuy nhiên mức lợi nhuận thực sự chỉ khoảng 20 – 30%. Đó là mức rất tốt và hợp lý.
Ví dụ giá vốn sản xuất – hay còn gọi là giá tại cửa nhà máy của một sản phẩm là 10.000đ mà giá bán lẻ là 20.000đ. Như vậy là hiểu theo nghĩa bỏ một lời một. Còn thực tế nhà kinh doanh chỉ lãi được khoảng 1.000 – 3.000đ/ sản phẩm đó. Do còn chi phí vận chuyển, chi phí lương, mặt bằng v.v.
Thành ngữ thường được hiểu theo nghĩa bóng
Cách hiểu về thành ngữ “một vốn bốn lời” của tôi
Chữ vốn ở đây nên được hiểu không chỉ là tiền, mà là tất cả vốn liếng của một người: ước mơ, trí tuệ, kinh nghiệm, thời gian, công sức, tài sản và mối quan hệ.
Như vậy “một vốn” ở đây nên hiểu là tất cả tâm huyết của người làm kinh doanh.
Vậy “bốn lời” là gì?
Tôi cho rằng, bốn cái lời ở đây là:
1 – Kinh nghiệm
2 – Trí tuệ
3 – Hạnh phúc
4 – Hoài bão
Thứ nhất và thứ hai là “lời” về kinh nghiệm và trí tuệ. Đây là một thứ thành tựu của người từng trải. Bất cứ ai dấn thân vào bất cứ công việc gì cũng đều thu được “kinh nghiệm” Có kinh nghiệm thì sẽ nâng cao được “trí tuệ”. Người đặt mục tiêu là tìm kiếm lợi nhuận thì thường thu được rất ít “kinh nghiệm”. Bởi vì họ sẽ không sử dụng hết năng lực của các giác quan để tìm tòi học hỏi những thứ không mang về lợi nhuận!
Bạn đặt mục tiêu là lợi nhuận nên những đơn hàng “khó”, không mang về lợi nhuận thì sẽ không làm. Do đó bạn bỏ qua cơ hội được học hỏi và phát huy sự sáng tạo đổi mới. Tư duy không chỉ nhìn vào lợi nhuận rất dễ nhìn thấy ở các anh bạn kinh doanh ở Trung Quốc. Tôi có một số đối tác khiến tôi rất ấn tượng. Khi đưa ra một yêu cầu “lạ”, cách làm của họ rất khác số đông các nhà kinh doanh nhỏ ở Việt Nam. Họ sẽ hỏi rất kĩ về yêu cầu, rồi họ hỏi mục tiêu sau đó tính toán cách làm. Nếu yêu cầu đặc biệt, họ sẽ nghiên cứu cách làm trước, và chỉ trả lời sau khi đã có cách làm chứ không phải là giá bán sẽ bao nhiêu.
Cái lời thứ ba là hạnh phúc
Khi bạn bước đi trên hành trình đã định, mỗi bước tiến là một ngày gần hơn với hoài bão, với giấc mơ của đời bạn. Bạn chỉ không có được món lời này khi bạn thất bại và dừng lại. Còn khi bạn tiếp tục bước đi thì mỗi ngày của bạn là một ngày hạnh phúc vì được sống. Bạn sẽ luôn hạnh phúc vì tìm được sứ mệnh của đời mình và được thực hiện theo hoài bão đó . Và đó chính là cái “lời” thứ ba.
Cái lời thứ tư là hoài bão
Khi được chúc “một vốn bốn lời”, theo tôi là chúc cho bạn có thể được nhìn thấy hoài bão, giấc mơ đã thành. Để có món lời thứ tư này, cần có thêm sự trợ giúp của thần may mắn. Có rất nhiều người có hoài bão lớn lao nhưng không được nhìn thấy giấc mơ đã thành hiện thực.
Cám ơn bạn đã đọc bài, tôi xin chúc cho bạn đọc của tôi đạt được “một vốn bốn lời” trên hành trình của mình.