fbpx

Phong cách mũ trắng và mũ đen trong Marketing – Kì 1

Phong cách mũ trắng hay mũ đen trong Marketing

 

Xưa nay tui thuộc tuyp làm Marketing thiên theo phong cách “mũ trắng”. Vắn tắt là “làm thật” mọi thứ, từ content, quảng cáo hay SEO… Nhiều lúc tui cũng khá tự hào về điều này, nhưng đó thuần túy chỉ là sự tự hào nghề nghiệp theo sở thích cá nhân. Cũng nhiều lúc tui thấy khá “dị ứng” với cách làm của team “mũ đen”, chắc do cái nết kị nhau.

Tuy nhiên, chưa bao giờ tui dám đánh giá thấp tầm quan trọng của team “mũ đen” trong Marketing. Bạn bè theo phong cách mũ đen của tui cũng không ít. Và tụi tui vẫn nói chuyện “hợp rơ” với nhau bình thường. Thỉnh thoảng tui vẫn phải nhờ vả họ “cứu” tui. Đối với cá nhân tui, team mũ đen giống như vị trí thủ môn trong một đội bóng. Nếu có cuộc hẹn hay sự nhờ vả gì từ họ thì tui sẽ luôn xếp vào hàng ưu tiên. Thực tế thì họ cũng hiếm khi cần gì ở năng lực của tui. Cá tính của họ đặc biệt cao, đó là thứ giúp chúng tôi kết nối được với nhau, có lẽ cũng là thứ duy nhất họ cần ở tui – một tình bạn chân thành.

Còn về “nhờ vả” thường chỉ có chiều ngược lại thì đúng hơn. Khi nào hàng “hậu vệ” của tui thất thủ, sẽ là lúc tui cần họ. Dù tui luôn mong muốn họ được… nhàn rỗi ngồi chơi. Nhưng đó là những vị cứu tinh mà tui cần trong một số tình huống đặc biệt. Có họ thì tui hoàn toàn yên tâm và tự tin ra trận.

back or white hat

Một tình huống giả định

Thuật ngữ “mũ trắng” hay “mũ đen” trong bài viết này sẽ không chỉ giới hạn ở phạm vi SEO, mà cho mọi công cụ khác như Seeding, content, bình luận, “mắt” xem online… hay thậm chí mở rộng hơn ra ngoài lĩnh vực Marketing. Và bài này tui viết không phải để chia sẻ về công việc hay đời sống của phong cách nào. Cá nhân tui thấy cần tôn trọng sự riêng tư lẫn nhau, nên tui không chia sẻ về việc của người khác. Mà tui sẽ mở ra vài góc nhìn trên một hoàn cảnh thực tiễn để bạn tự đánh giá. Bởi có thể bạn nhìn thấy hiện tượng hàng ngày, mà chưa biết phía sau đó giấc ngủ ngon là những “hiệp sĩ bóng tối” đang âm thầm bảo vệ bạn.

Bài này sẽ là một tình huống giả định từ quan sát trong thực tiễn để phân tích. Bản thân tui chưa từng trải qua và … cũng không mong muốn mình rơi vào tình thế đó. Vì tui không thể tưởng tượng ra hết được hậu quả.

Tuy nhiên

Tui nghĩ bài này sẽ có thể giúp bạn tiết kiệm được một khoản kếch xù nếu chẳng may gặp phải. Bài này cũng không chỉ được cho bạn bất kì cách kiến tiền, hay có thêm một kiến thức nào mới mẻ, lạ lẫm cả. Tui hi vọng sẽ giúp bạn trang bị thêm được một chút tự tin, trên con đường bước ra… thế giới ảo.

Trước tiên, là một chút đạo lý….

Khi tui hiểu được ánh sáng trắng thực ra là sự tổng hợp của đa sắc. Còn ánh đen là nơi hấp thu lại tất cả ánh sáng chiếu vào, thì suy nghĩ của tui đã thay đổi rất nhiều về công dụng của bóng tối.
Tui bắt đầu thấy trong đời sống không có trắng tuyệt đối hay đen thuần túy.
Tui bắt đầu không còn thấy phân biệt đen hay trắng.
Nếu bài viết này dừng ở đây, có lẽ bạn sẽ nghĩ thằng cha này “ngộ đạo lý” và viển vông quá.
Thì bạn đã nghĩ đúng!
Bạn đã đúng vế trước, nhưng vế sau mới là thứ nhiều người sẽ ao ước được biết khi “vào thế”. Nên bạn nghĩ sao thì tui không bận tâm, nhưng “ngộ” ra được đôi khi cũng là một điều mà nhiều người hằng mong chờ.
 
Có “ngộ” ra được bản chất thì mới ứng dụng thiên biến vạn hóa được bạn nhé.
thiền định để tĩnh tâm

Có những việc bạn sẽ rất cần tới mũ đen, để bảo vệ mũ trắng và ngược lại.

Xin lỗi bạn trước vì tui sẽ phải đặt bạn vào một tình thế oái oăm trong tình huống sau đây. Để có bài chia sẻ này thì tui cũng đã giả định tình huống đó cho bản thân mình, rồi sau đó mới tìm cách xử lý.
Bạn sẽ dễ dàng bắt gặp tình huống này vào bất kể thời gian nào. Chỉ cần một lần như vậy có lẽ sự nghiệp và tương lai của bạn sẽ lao thẳng xuống vực thẳm ngay.
Khi tui giả định nếu bản thân mình gặp phải thì sẽ sao. Cảm giác đó thật tệ và tui không bao giờ muốn nó xảy ra. Nhưng chúng ta lại không thể nào tránh được rủi ro trong tương lai. Ta chỉ có thể nghĩ ra phương án đề phòng khi đang yên bình.
 
 
Vì vậy đây là một tình huống giả định “oái oăm” với mục đích để “huấn luyện” cơ bắp tinh thần thôi nhé.
Và bài tập này sẽ dành cho các bạn đã và đang xây dựng thương hiệu cá nhân trên mạng xã hội hay đang kinh doanh online nhé. Một tình huống có thật mà ngay cả những người chuyên nghiệp cũng đã mắc phải rất nhiều trong thời gian gần đây. Xin phép không nêu ra các trường hợp cụ thể, nhưng tui tin bạn sẽ tự hình dung ra được.
 
Xin lỗi đã dắt bạn đi lòng vòng, nhưng tui có chủ ý cho điều đó. Cảm ơn bạn đã kiên nhẫn đọc.

Nội dung chính – Một tình huống giả định…

Giả sử… vào một ngày đẹp trời! Bạn đang rất … hạnh phúc và tự hào với các chiến công của mình. Đó có thể là lúc đang thu về kết quả của một chiến dịch bán hàng thành công vượt dự kiến. Các đơn hàng nườm nượp kéo ra khỏi kho của bạn. Doanh số của bạn đang tăng tốc phi mã, và hình ảnh về thương hiệu của bạn đang lên như một cánh diều được gặp gió lớn.
 
Bất ngờ… vô số người thân, bạn bè gọi điện dồn dập liên tục cho bạn. Họ nói về một “lùm xùm” lớn mà bạn mới gây ra. Lúc này bạn hơi hoảng nhưng còn chưa biết đã xảy ra chuyện gì. Rồi bạn mở các kênh bán hàng hay kênh truyền thông lên thì bắt đầu tá hỏa. Đó là hàng ngàn thông báo, inbox và bình luận. Bạn lướt đọc thử thì tất cả đều đang chỉ trích bạn. Một số dùng những lời lẽ rất nặng nề mà đủ để làm bạn bật khóc ngay lập tức.
 
Rồi bạn cố gắng trấn tĩnh tìm hiểu nguyên nhân nhưng không thể biết được điều gì đã gây ra. Cơn bão chỉ trích đó cũng không hề có dấu hiệu dừng lại mà đang gia tăng ngày một lớn hơn. Nó lan tỏa nhanh và bất ngờ đến độ bạn còn không đủ thời gian để tìm hiểu nguyên nhân.
Bạn sẽ vô cùng hoảng loạn và không biết nên làm gì.  Lúc này khi những người thân cận của bạn – là những người đang bình tĩnh và sáng suốt hơn một chút mới đi tìm hiểu nguyên nhân.
 
Việc đó rất dễ dàng. Những video có tiêu đề, hình ảnh cắt ghép được nhấn mạnh thẳng vào trọng tâm.
Đó là một lỗi rất nghiêm trọng của bạn. Ngay cả người thân của bạn cũng thấy rõ như vậy. Họ không chỉ trích bạn, mà là những ánh mắt thất vọng hay tiếng thở dài sẽ có thể lấy đi nốt sự bình tĩnh ít ỏi còn sót của bạn.
 
Nhưng bạn nghe xong sẽ vô cùng thắc mắc. Thâm tâm bạn thấy đó là một chuyện … hết sức bình thường mà. Bạn thậm chí còn không hề có ác ý gì cả. Hoặc thật lòng thì đó chỉ là một sự khó ưa nho nhỏ trong cá tính của bản thân bạn. Việc đó ở trong đời sống hàng ngày thì nó rất bình thuờng. Ngày nào mà bạn chẳng nói chuyện với nhân viên của mình như thế, thậm chí có lúc bạn còn căng thẳng hơn thế nhiều. Đâu có ai phản ứng gì về điều đó đâu? Thậm chí một số còn cười thân thiện với bạn.
 
Vậy tại sao bạn lại bị một cơn bão khủng khiếp tấn công, chỉ vì một việc bình thường như thế? Hay có đối thủ nào cố tình tranh thủ cơ hội chơi xấu bạn.
 
Có rất nhiều tình huống có thể là nguyên nhân tác động vào. Nhưng lúc này bạn càng cố đoán thì càng sai lệch nhiều. Chẳng ai là biết chắc được điều đó. Việc bạn nên làm là phân tích vấn đề. Tuy nhiên mấy ai ở vào tính thế đó đủ bình tĩnh để ngồi phân tích kế hoạch hành động?
 
Nếu bạn đủ bình tĩnh, bạn sẽ phân tích được từ bản chất vấn đề từ trong tâm bão
 
Hóa ra là bạn đã phát ngôn ra một hành động gây hiểu lầm. Khán giả đã phê bình việc đó rồi KOL mà bạn đã thuê lại có một phát ngôn gây hiểu lầm tiếp. Rồi bạn cũng đối đáp gây hiểu lầm tiếp…
Nếu việc chỉ có như vậy thì đâu có gì nghiêm trọng? Đâu tới mức bạn bị đưa lên tâm điểm của một cơn bão chỉ trích lớn?
 
Nếu bạn nghĩ vậy, có thể sẽ làm gia tăng hành động đẩy sự leo thang lên cao trào hơn.
Bởi bản chất vấn đề nằm ở điểm mù mà bạn – người trong cuộc khó thấy được.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *