Tò mò về sự trung thực sau lớp mặt nạ
Hôm trước tôi chia sẻ một bài viết về tư duy trên group công khai, có một anh bạn comment xin copy bài tôi.
Tôi không để ý và bận tâm về điều đó. Nhưng tôi tò mò xem tư duy của con người đó ra sao, nên vào trang cá nhân để xem. Tôi thấy anh là doanh nhân, anh chia sẻ rằng điều anh mong mỏi và quan tâm nhất là trải nghiệm khách hàng. Tôi khá thích những người có tư tưởng như thế. Nhưng tôi cũng đủ trải nghiệm để hiểu nói thì dễ còn có làm không thì chưa chắc. Tôi tò mò về sự trung thực trong chia sẻ đó.
Tôi lại nhìn lầm người
Tôi lần tới mở bài mà anh độc giả đã xin copy của tôi ra xem. Bài đó ở cuối bài tôi có ký hiệu tác giả, nho nhỏ thôi. Tôi thấy anh đã âm thầm … xóa tên tác giả. Tôi cũng không hề thấy có một câu nào thể hiện đó là bài viết của người khác. Trên trang của anh còn được like nhiều hơn cả của tôi.
Tôi lại nhìn lầm người! Nhưng tôi chẳng cần nhắc nhở, vì tôi viết hàng trăm bài. Tôi đã chia sẻ ra cộng đồng là để cho đi nên chẳng quan trọng ai copy hay để làm gì. Thậm chí tôi còn chả nhớ tôi sau khi đã chia sẻ xong. Tôi chỉ mới bắt đầu viết lại trong thời gian gần đây. Nên tôi muốn biết cách nghĩ của người khác ra sao sau khi đọc, để giúp tôi có nhân sinh quan tốt hơn. Chỉ một hành động đó đủ để tôi hiểu tính cách và bản chất tư duy của anh bạn kia rồi. Đó không phải là đối tượng độc giả mà tôi cần chú ý tới.
Mặt nạ của tôi – Bị sao chép hay được copy?
Về mặt kỹ thuật thì … càng “được copy ” thì bài của tôi càng leo top SEO dễ dàng hơn. Nên chắc chắn là tôi sẽ không làm cái hành động dư thừa. Tôi chẳng cần nhắc nhở người khác tôn trọng bản quyền làm gì. Vì việc đó “bị sao chép” đó hoàn toàn có ích cho tôi. Các bài viết của tôi trên cộng đồng ít thì vài chục, nhiều thì hàng trăm lượt share. Tôi đã bắt đầu viết chia sẻ từ hơn 10 năm trước. Hồi đó còn được chia sẻ nhiều hơn. Tuy nhiên sau một thời gian tôi ngừng lại, để tiếp tục trải nghiệm cuộc sống. Khi đó tôi nhận ra mình còn quá “non” nên không viết gì thêm. Nên tôi chẳng hề quan tâm với việc “bị” sao chép.
Thay vì đó, tôi… tận dụng nó. Tôi đã quá quen thuộc với điều đó từ nhiều năm trước. Thực tế là tôi đã cố tình sáng tạo nội dung để bị sao chép. Tôi áp dụng tư duy này vào các bài quảng cáo hay mẩu tin. Thông thường người ta lười suy nghĩ cái mới, nên sẽ muốn đi sao chép … cho nhanh. Thực tế bản thân tôi cũng sẽ muốn như vậy. Tôi cũng sẽ sao chép mô hình nào mà mình thấy đáng học hỏi. Tuy nhiên không bao giờ tôi bê y nguyên về dùng. Thường thì tôi sẽ phân tích và nghiên cứu rất kỹ các case study đó như một dạng Template. Rồi dần dần chuyển hóa và sáng tạo theo ý mình để phát triển. Đó là cách để tôi sáng tạo trên nền của người khác.
Tuy nhiên, tôi để ý thấy nhiều người đồng nghiệp “khác” thường chỉ thích đi copy y nguyên và … đổi thông tin mình lên đó. Cứ hễ tôi viết bài gi ra là bữa sau sao chép liền. Và tôi … mỉm cười. Tôi càng tập trung vắt óc suy nghĩ để sản xuất thật nhiều nội dung … đáng để bị sao chép hơn. Quả là một cơ hội tuyệt vời để … lan tỏa miễn phí. Kết quả là … bài của tôi leo top mà đâu có một tí kỹ thuật SEO nào. SEO kiểu gì cho một mẩu tin vài trăm kí tự? Bạn ạ, hãy viết thật hay để người khác sao chép. Tâm thế cho đi tất cả thì … cũng chẳng sợ mất gì. Có một thứ bản quyền vô hình, đó là cá tính của bạn. Chẳng ai sao chép được điều đó cả!