fbpx

Để Tăng Giá Trị Của Thời Gian

Đặt mục tiêu xa là một cách tăng giá trị của thời gian

 

Mục tiêu là một đích đến nào đó mà ta muốn hướng tới. Mục tiêu chính là động lực để thúc đẩy tinh thần vượt qua được áp lực và khó khăn trong cuộc sống. Mục tiêu cũng giúp cho ta luôn thấy hạnh phúc mỗi ngày khi được đi trên con đường đó.

Nhưng đã có lúc tôi mất mục tiêu và hoàn toàn không còn một tí động lực nào! Bình thường tôi luôn là người yêu đời một cách bất chấp, trong hầu hết thời gian và ở mọi hoàn cảnh. Nhưng cách đây không lâu tôi đã phải trải qua một quãng thời gian khá tồi tệ. Mọi kế hoạch của tôi đã sụp đổ, như vừa bị một cơn bão lớn quét qua, cuốn theo tất cả ra biển. Những người thân cũng tìm cách gia tăng thêm áp lực cho tôi. Lúc đó tôi đã vô cùng căng thẳng, đến mức không thể ngủ nổi.

Chính vào lúc muốn buông bỏ, tôi đã lại tìm lại được động lực lớn để chèo chống con thuyền qua giông bão. Bởi vì tôi nhớ ra mình còn có mục tiêu cần phải làm lớn hơn những mục tiêu trước mắt!

Có lẽ ông trời đã rất ưu ái cho tôi. Với rất nhiều lần may mắn được “ép vào thế” phải khủng hoảng tinh thần. Sau mỗi lần như thế tôi lại tìm cách vượt qua. Sau mỗi lần vượt qua tự nhiên thấy mình mạnh mẽ hơn hoàn toàn. Lần sau lại thấy lần trước đó như một trò đùa… 

Phương Pháp Tăng Giá Trị Thời Gian

Có ai sống mà không có mục tiêu?

Câu hỏi này nghe qua thì thật buồn cười. Mấy ai lại không có mong muốn nào đó để hướng tới đâu chứ. Lẽ nào mỗi ngày ta đi làm để kiếm tiền lại không phải là có mục tiêu. Nhưng hãy thử nghĩ … chậm lại để nhìn lại xung quanh cuộc sống của chính mình. Rất nhiều người đang sống và làm việc … một cách vật vờ, để mong cho sớm hết ngày. Phải đi làm, phải chấp nhập bị o ép, hoặc phải làm những việc không hề mong muốn. Đó là vì lý do gì? 
 

Tôi viết bài này không phải để hướng dẫn ai đó nên làm gì. Tôi không có khả năng đó, tôi chỉ đưa ra một câu hỏi gợi mở mà thôi. Có không ít bạn đã trực tiếp nói với tôi rằng: “Em không biết mình thực sự muốn làm gì cả.”. Thậm chí có nhiều vị CEO khi được hỏi về mục tiêu của chiến dịch, muốn đạt điều gì cũng… lắc đầu gặm bút. Câu trả lời tôi thường được nghe là: “Anh muốn bán được càng nhiều hàng càng tốt!”. “Không biết muốn gì” hay “càng nhiều càng tốt” là biểu hiện rõ ràng của việc thiếu một mục tiêu thường gặp nhất. Trường hợp đặc biệt rất hiếm hoi của “không muốn gì” trong cuộc sống là …các nhà tu hành.

Còn đa số thì hoàn toàn ngược lại. Thường là chúng ta đang muốn quá nhiều, nên mới không định hình được mục tiêu rõ ràng. Đó là quá trình tranh chấp trong nội tâm của mỗi người. Chúng ta muốn làm nhiều thứ, nhưng thường thì ta không tìm được lý do để bắt đầu. Tôi cũng đã trải qua nhiều giai đoạn như thế, ngay cả với trang blog này. Tôi đã tạo ra một vài trang tương tự từ 5 năm trước, tôi cũng đủ kỹ năng để hoàn thiện nó. Tuy nhiên tôi đã không làm gì tiếp, vì tôi luôn có lý do để trì hoãn. Đó là sự bận rộn với công việc “quan trọng” hơn, đó là thời gian dành cho gia đình, đó là thời gian để giải trí. Nhưng lại không có … thời gian để tự nhìn lại mình. 

luôn cảnh giác với mục tiêu đã chọn

Phải luôn cảnh giác với mục tiêu đã chọn đó

Khi đã có mục tiêu, để đạt được thì sẽ cần một bản kế hoạch hay chiến lược cụ thể. Trong mỗi kế hoạch lớn lại có nhiều mục tiêu nhỏ hơn. Tương ứng như thế bạn sẽ có một bản kế hoạch tầng tầng lớp lớp các nhiệm vụ. Kế hoạch sẽ giúp bạn tập trung hoàn thành mục tiêu, nhưng cũng chính kế hoạch có thể sẽ kéo bạn đi sai hướng xa hơn. Chúng ta luôn luôn không ngừng phát triển và thay đổi. Trong quá trình đó sẽ luôn có rất nhiều sai lầm, khác biệt là thái độ của ta chọn đối mặt như thế nào. Và để làm được tốt thì sẽ cần một mục tiêu tích cực, ở một nơi xa xăm trong tâm trí, là thứ mà ta đang cố tự che giấu. 

Phải luôn luôn “cảnh giác” với mục tiêu. Chính xác và ngắn gọn chỉ có như vậy!

Khi tôi làm về quản trị nhân sự, tôi luôn quản lý công việc bằng mục tiêu. Nhưng đừng nhầm lẫn việc này với OKR. Nghe qua hình thức đặt mục tiêu này rất giống nhau nhưng lại khác về bản chất. Tôi không sử dụng phương pháp OKR. Tôi và anh CEO của một công ty công nghệ đã từng tranh luận sôi nổi về đề tài này. Anh đã khuyên tôi đọc thêm sách về OKR, còn tôi nghe xong thì nghĩ anh nên… đọc thêm sách về quản trị. Tôi không chê OKR, trong các chiến dịch ngắn hạn tôi vẫn dùng nó. OKR là phương pháp đặt mục tiêu bằng áp lực, một số trong đó thì hữu ích, nhưng không phải tất cả. Mỗi cá nhân có một sở trường, một giấc mơ khác nhau. Hạnh phúc của doanh nghiệp hay quản lý chưa chắc đã là hạnh phúc của nhân sự. Khi không có hạnh phúc, mỗi ngày làm việc sẽ là … một ngày cực hình. Có những điều hạnh phúc rất nhỏ nhoi, nhưng nó mang tới động lực lớn lao để vượt qua được khó khăn. Đó là khi vượt qua được từng thử thách nhỏ, để mỗi ngày tiến gần hơn tới mục tiêu xa xăm của một cá nhân. Và chẳng có công cụ nào có thể đo lường thứ hạnh phúc này được cả. 

Mục tiêu quyết định việc xây dựng nền móng 

Việc chọn mục tiêu ban đầu ra sao sẽ quyết định việc nền móng của chúng ta được xây dựng tiếp thế nào. Mọi kế hoạch tiếp theo sẽ bị ràng buộc vào “cái móng” này. Trong quá trình xây dựng tiếp, ta mới phát hiện có những sai lầm thì buộc phải “đập đi xây lại”. Hãy tưởng tượng như việc ta muốn xây một tòa cao ốc, mà tiếc cái móng cũ từ ngày đầu xây nhà ở tạm, rồi cứ thế ta cố xây lên thật cao. Kết quả là …một con gió nhẹ thổi qua cũng đủ làm sụp đổ tất cả.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *